Thông thường chúng ta có thể nghe thấy cụm từ “chân kính” trong các giới thiệu về cấu tạo bộ máy của đồng hồ. Nhiều người hiểu nhầm “chân kính” là chân mặt kính đồng hồ. Bên cạnh đó cũng có nhiều người không biết chân kính đồng hồ là gì, chân kính có tác dụng gì,… Vì vậy bài viết hôm nay sẽ giúp bạn tháo gỡ nhiều thắc mắc một cách dễ hiểu nhất về chân kính đồng hồ.
Chân Kính Đồng Hồ Là Gì?
Chân kính đồng hồ (Jewel) là một chi tiết rất quan trọng và đặc biệt trong bộ máy đồng hồ. Jewel dịch từ tiếng anh ra có ý nghĩa là “đá quý”. Ám chỉ rằng chân kính là một bộ phận được làm từ đá quý. Nó mang đến giá trị và thể hiện đẳng cấp của đồng hồ.

Trước đây khi chế tác đồng hồ, hầu như bộ máy đều bị mài mòn sau một thời gian ngắn do sự ma sát của các chi tiết kim loại. Để khắc phục điều này thì chân kính đồng hồ ra đời. Được làm từ các vật liệu có độ cứng cao, chân kính được thêm vào với mục đích làm giảm độ ma sát giữa các chi tiết lớn.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại không sử dụng dầu bôi trơn mà lại sử dụng chân kính?
Dầu bôi trơn trong trường hợp này không thể tối ưu hơn chân kính. Do ngoài các chi tiết lớn bị ảnh hưởng bởi sự ma sát, cỗ máy đồng hồ còn có các chi tiết nhỏ bé, tinh xảo cần có sự phối hợp ăn khớp và mượt mà.
Chân kính là cầu nối giúp cho các chi tiết có thể hoạt động ổn định, chính xác nhất có thể.
Chức Năng Quan Trọng Của Chân Kính Đồng Hồ Là Gì?
Chân kính đồng hồ có các chức năng quan trọng:
- Giảm tối đa sự ma sát giữa các chuyển động của các chi tiết trong bộ máy đồng hồ.
- Làm gia tăng tuổi thọ của đồng hồ lên đáng kể.
- Chống sốc để đảm bảo độ ổn định và tính năng của các chân kính khác.
Làm bộ máy đồng hồ mang tính thẩm mỹ cao và có giá trị. Đặc biệt là ở những dòng đồng hồ cơ lộ máy hay còn gọi là đồng hồ cơ Skeleton…

Trong bộ máy đồng hồ, tại những vị trí bị ảnh hưởng của ma sát thì đều được sử dụng chân kính để cải thiện tình trạng này. Bộ máy hoạt động tốt thì sẽ có nhiều chân kính nhưng không phải càng nhiều thì càng tốt.
- 4 – 7 chân kính đối với đồng hồ pin
- Khoảng 17 chân kính cho đồng hồ cơ lên cót tay
- Khoảng 21 chân kính cho đồng hồ cơ tự động
- 25 – 27 chân kính cho các sản phẩm đồng hồ cơ đa năng
- Trên 30 chân kính đối với những đồng hồ cơ vô cùng phức tạp
>>> Tất Tần Tật Về Đồng Hồ Automatic
Phân Loại Chân Kính Đồng Hồ
Cùng được gọi là chân kính, tuy nhiên ở mỗi vị trí khác nhau thì các chân kính có cấu tạo và cái tên khác nhau.
Chân kính tròn có lỗ xuyên tâm (Hole Jewels)

Là loại chân kính có dạng tròn, dẹt và có một lỗ tại tâm. Loại chân kính này được đặt tại các trục bánh răng có tốc độ quay thấp. Không yêu cầu về độ chịu lực tác động theo phương vuông góc với trục quay. Kích thước lỗ ở tâm phụ thuộc vào kích thước trục.
Chân kính tròn không có lỗ xuyên tâm ( Cap Jewels)

Còn có một tên gọi khác là chân kính mũ. Cũng giống như Hole Jewel nhưng không có lỗ tại tâm. Được đặt vào hai đầu trục quay có yêu cầu cao về sai số, vận tốc quay lớn.
Chân kính dạng phiến (Pallet Jewels)

Có dạng hình chữ nhật, được bố trí tại những điểm dễ bị tác động và va đập theo chiều ngang như bánh gai, trượt cò khóa, hai đầu ngựa.
Chân kính dạng con lăn (Roller Jewels)

Có dạng hình trụ, được gắn trên các bệ bánh lắc, điểm bị tác động va đập kiểu trượt.
Chân kính bảo vệ sốc ( Shock Protection Jewels )

Là một tổ hợp các chân kính có chức năng bảo vệ không để chân kính bị vỡ khi động hồ bị va đập hoặc chấn động mạnh.
Các Chất Liệu Đá Được Sử Dụng Chế Tác Chân Kính
Chân kính có thể được chế tạo từ nhiều loại đá quý như sapphire tự nhiên, kim cương, ruby,… Những loại đá này đều có đặc điểm như cứng, quý hiếm và đắt đỏ. Gia công để chính xác trong từng chi tiết thì phải tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Do muốn giảm thời gian chế tác và tiết kiệm chi phí khi sản xuất thì những nhà chế tác đồng hồ đã phát minh ra sapphire nhân tạo và ruby nhân tạo.

Đây là một phát minh giúp cho ngành công nghiệp đồng hồ phát triển vượt trội. Nhờ vào sự thuận tiện và tính năng tuyệt vời mà chân kính đồng hồ mang lại. Thậm chí Sapphire nhân tạo còn được sử dụng trong chế tác mặt kính đồng hồ.
– Chân kính của đồng hồ xa xỉ – cao cấp
Đương nhiên đối với những dòng đồng hồ xa xỉ và cao cấp, chân kính đồng hồ sẽ được chế tác từ loại đá đắt tiền và sang trọng hơn như kim cương.
Đồng nghĩa với việc bộ máy của những dòng đồng hồ cao cấp sẽ bền lâu và hoạt động chính xác hơn so với những dòng đồng hồ phân khúc tầm trung và giá rẻ.
– Chân kính của đồng hồ giá rẻ
Nói đến đồng hồ giá rẻ và kém chất lượng, nhiều loại còn có chân kính làm bằng thủy tinh màu. Thủy tinh có độ cứng thấp, dễ bị mài mòn.
Thậm chí còn có thể ảnh hướng xấu đến cơ cấu bộ máy và hoạt động của các chi tiết. Luôn luôn lưu ý đến điều này nhé, bạn sẽ không muốn mất một số tiền để đổi lại sự kém sang này đâu.
>>> Những Lưu Ý Khi Mua Đồng Hồ Nữ Giá Rẻ
Chân kính đồng hồ là một chi tiết rất quan trọng và giá trị. Dù ít hay nhiều thì nó cũng luôn góp phần vào việc gia tăng tuổi thọ của đồng hồ. Và cũng sẽ giúp đồng hồ trở nên thẩm mỹ và giá trị hơn. Hi vọng những thắc mắc của bạn về chân kính đồng hồ là gì đã được tháo gỡ một cách dễ dàng qua bài viết này.